Hàng ngàn lao động mất việc sau bão

Khuôn mặt thất thần, ông Lê Đình Nhật Tân - Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) - chỉ khu nhà xưởng hơn 4.000m2, nói: "Nhà xưởng gần như hư hỏng 50%, 3 kho chứa 500 tấn hàng sập 70%, hàng hóa ướt và hư hỏng 50%, phần còn lại đưa toàn bộ đến các nhà máy khác nhờ hỗ trợ nên chưa đánh giá được hết mức độ, còn chưa kể máy móc vẫn phải tấp lại chờ xác định… Doanh nghiệp (DN) phải ngừng sản xuất".

Thiệt hại nặng nề

Tại DN tư nhân Thanh Khuê (KCN Đắc Lộc, TP. Nha Trang), toàn bộ phân xưởng 9.000m2 bị quật đổ hoàn toàn. Hàng hóa từ gỗ, mây, tre đều bị ướt và hư hỏng. Bà Nguyễn Thị Khuê - Giám đốc DN - lau nước mắt: "3 phân xưởng đều hư hỏng nặng, hàng hóa đều phải bỏ không thể xuất khẩu. Con số thiệt hại đến nay chúng tôi cũng chưa thể tính được". Công ty TNHH Ngọc Trai Sài Gòn (huyện Vạn Ninh) cũng rơi vào tình cảnh tương tự, với toàn bộ hơn 20 dàn bù treo trai 2 vạn con bị đánh tan, 20 tàu thuyền bị chìm, cơ sở vật chất mất mát toàn diện.

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh cho thấy, có 17/19 DN trong 2 cụm công nghiệp Diên Phú và Đắc Lộc (TP.Nha Trang) bị tốc mái, nhà xưởng hư hỏng. Các DN tại Ninh Hòa, Vạn Ninh chịu cảnh tương tự, phải tạm dừng sản xuất từ 1-6 tháng để khôi phục lại cơ sở vật chất và máy móc thiết bị.

Công nhân khó chồng thêm khó

Chị Đinh Thị Phương Thảo (trú xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, công nhân (CN) Công ty CP Dệt may Nha Trang) chật vật dẫn chúng tôi đến ngôi nhà đổ nát. Đây là ngôi nhà hai vợ chồng dành dụm hơn 10 năm mới xây được và vừa vào ở. Chị Thảo đang mang bụng bầu hơn 7 tháng, công việc ở xưởng may là nguồn thu nhập chính nuôi cả gia đình nhưng giờ công ty bị thiệt hại nặng, chưa thể sản xuất. "Nghe thông báo tạm nghỉ chưa biết đến khi nào đi làm lại mà em rụng rời, nhà không còn, việc không có, em biết lấy gì để sinh con, nuôi con đây?" - chị Thảo rưng rưng. Lãnh đạo nhà máy cho biết, gần 1.000 CN phải tạm nghỉ việc chờ nhà máy sửa chữa nhanh nhất là đến 30-11 mới khôi phục được phần nào khu nhà xưởng.

Tại Công ty Sao Việt, việc khắc phục cũng phải qua Tết Nguyên đán mới có thể sản xuất trở lại. "Có 600 lao động tại chỗ và 1.000 hộ gia đình. Hiện giờ chỉ bố trí được cho hơn 100 lao động làm những công đoạn cuối và chỉ kéo dài được 20 - 30 ngày. Tạm thời phải để anh em nghỉ việc. Chúng tôi cố gắng trích từ quỹ dự phòng hỗ trợ CN với mức lương cơ bản trong thời gian chờ việc" - ông Lê Đình Nhật Tân cho biết.

Hàng ngàn lao động mất việc sau bão - Ảnh 1.

LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa trao phần quà hỗ trợ cho 20 lao động của Công ty TNHH Sao Việt bị thiệt hại nặng về nhà ở do bão và phải nghỉ việc trong thời gian tới. Ảnh: T.T

Mới đây, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đã đến thăm, tìm hiểu tình hình tại 8 DN bị thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh. Thống kê sơ bộ, có khoảng 5.000 lao động trên địa bàn phải nghỉ việc do DN bị ảnh hưởng. Trong số đó, có gần 1.500 lao động bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản. Bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - cho biết: "Giải pháp hiện nay là các DN đều có hướng hỗ trợ NLĐ trong thời gian tạm ngừng sản xuất và vẫn trả lương theo mức tối thiểu vùng. Trước mắt, CĐ các cấp cũng ưu tiên chia sẻ và hỗ trợ các đoàn viên bị thiệt hại nặng để người lao động (NLĐ) sớm có chỗ ở. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, kêu gọi hỗ trợ để giúp NLĐ sớm ổn định cuộc sống, vực lên sau bão".

Chia sẻ với chủ DN và NLĐ trong tỉnh, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đã đến thăm 8 DN và trao 240 triệu đồng để DN hỗ trợ cho CNLĐ khắc phục sau bão và CNLĐ bị sập nhà, nhà hư hỏng nặng. Đây là số tiền trích từ nguồn hỗ trợ của Quỹ XHTT Tấm lòng vàng Lao Động và các tổ chức, cá nhân gửi chia sẻ khó khăn với CNLĐ.

                                                                                                                                   Nguồn THANH THÚY (LAO ĐỘNG)

TIN LIÊN QUAN

GỌI: 0933 791 041